avatar
Nguyễn Văn Khu
26/04/2023
Giảm lãi giúp thanh khoản dễ dàng hơn
MeeySharemeeyland.com
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau khi giảm lãi suất điều hành
Không chỉ giảm lãi suất điều hành mà từ ngày 15/3 Ngân hàng Nhà nước đã tăng công cụ bơm thanh khoản. 

Theo Markettimes, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 - 95% giá trị giao dịch) trong phiên ngày 15/3 đã giảm từ mức 5,72%/năm xuống mức 5,06%/năm, cuối tuần trước ghi nhận mức lãi suất 6,22%/năm.

Lãi suất các kỳ hạn ngắn như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng có dấu hiệu giảm mạnh còn lần lượt 5,51%/năm, 4,74%/năm và 6,83%/năm. So với mức lãi suất ghi nhận cuối tuần trước thì lãi suất các kỳ hạn này giảm 0,5 - 1,8 điểm %.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành đã khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống còn 6,0%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.

Thị trường mở trong phiên giao dịch 15/3 cũng chứng kiến diễn biến đáng chú ý khi Ngân hàng Nhà nước quay trở lại chào thầu OMO kỳ hạn 28 ngày với mức lãi suất 5,5%/năm. Động thái này tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước duy trì trong phiên ngày 16/3.

Kể từ tháng 11/2022, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước sử dụng kỳ hạn 28 ngày cho các hợp đồng cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Trước đó, chỉ sử dụng các hợp đồng 7 ngày và 14 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong 2 tháng đầu năm, sau khi đã tạm dừng các hợp đồng kỳ hạn 91 ngày vào trung tuần tháng 12/2022.

Có 1 thành viên tham gia vay vốn mỗi phiên với tổng lượng trúng thầu là 986,48 tỷ đồng, tuy nhiên động thái này cho thấy định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống ngân hàng của Nhà điều hành.

Song hành với động thái bơm thanh khoản dài hạn hơn, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu thu hút thanh khoản. Trong khi có hàng chục nghìn tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó đã đáo hạn.

Trong hai phiên ngày 15/3 và 16/3, Nhà điều hành đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng gần 16.100 tỷ đồng.

Trong hai phiên ngày 15/3 và 16/3, Nhà điều hành đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng gần 16.100 tỷ đồng.

Giới phân tích cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành đánh dấu bước thay đổi chính sách, tiền tệ của nhà điều hành từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, động thái giảm lãi suất chính sách dứt khoát này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã chính thức xác nhận việc bắt đầu quay trở lại với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên biên độ giảm lãi suất tiếp tục của Ngân hàng Nhà nước là không nhiều bởi trước đó Việt Nam đã luôn duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua.

Ông Báu đưa ra dự báo, sau khi lãi suất điều hành giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng có khả năng sẽ được điều tiết giảm dần, với mức giảm bình quân khoảng 0,5 - 1 điểm %. Lãi suất huy động sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lãi suất điều hành nhưng với bối cảnh thanh khoản như hiện nay, xu hướng giảm lãi suất huy động sẽ tiếp tục. Các chuyên gia kỳ vọng, đến giữa năm 2023 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn có thể về quanh mức 7 - 7,2%/năm.

Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước góp phần hoàn thành mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy thoái, xung đột tại Ukraine tiếp tục kéo dài. Nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, tình hình lạm phát dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt và qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nên kinh tế lớn. Trong khi đó, ở trong nước nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu chậm lại do nhu cầu thế giới giảm, nhưng vẫn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa thể giải quyết nhanh chóng.

Do đó, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay nhằm hoàn thành mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Thông qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước thông tin: "Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước và quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hoàng Bích Nga

Giấy phép MXH số 95/GP - BTTTT do Bộ Thông tin truyền thông cấp ngày 24/03/2023
Tổ chức quản lý trang mạng xã hội: Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land - Địa chỉ liên lạc: Tầng 5 Tòa nhà 97 - 99 Láng Hạ, phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Điện thoại: 02462538566 - Email: contact@meeyland.com - Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hoàng Mai Chung